Sau khi nhập quan Hậu cung nhà Thanh

Thời kỳ Thuận Trị

Dưới thời Thuận Trị, hậu cung nhà Thanh lại có biến chuyển. Hậu cung thời Thuận Trị, theo khảo chứng hồ sơ thì đã từng muốn thiết lập Hoàng phi (皇妃) cùng Cửu tần (九嫔) theo kiểu người Hán, song rốt cuộc cũng như chế độ nữ quan, đều bị bãi bỏ. Vào lúc đó, trong hậu cung vẫn hay giữ kiểu gọi tương ứng Hoàng hậu (ứng với Đích Phúc tấn), Phi (ứng với Trắc Phúc tấn) và Cách cách (ứng với Thứ thiếp) mà xưng hô cùng thiết đặt đãi ngộ, không khác thời Hậu Kim. Sau đó, triều đình Thuận Trị đã phân định rõ thứ bậc hơn một chút dựa theo quy chế Trung nguyên, dưới Hoàng hậu có hàng Hoàng quý phi, PhiTần đều thực sự đã được đề cập khi quy định đãi ngộ, nhưng không rõ vì lý do gì vẫn rất nhiều hậu cung không có danh vị chính thức. Đặc biệt là danh vị "Hoàng quý phi", được dùng để sách phong sủng thiếp Đổng Ngạc phi. Ngoài ra thì, chỉ có Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu cùng Phế hậu Tĩnh phi là từng được ghi nhận có đãi ngộ hàng Phi, riêng hàng Tần vẫn để trống.

Tóm gọn lại, hậu cung triều Thuận Trị có 7 định mức, được gọi là Cấp (級), trình tự có:

  1. Hoàng hậu (皇后), dành cho Tam cung Hậu vị (Hoàng hậu, Hoàng thái hậuThái hoàng thái hậu);
  2. Hoàng quý phi (皇貴妃), lập ra vì Đổng Ngạc phi;
  3. Phi (妃), chỉ thấy Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu và Tĩnh phi;
  4. Tần (嬪), vẫn luôn để trống;
  5. Phúc tấn (福晉), đãi ngộ tương đương Quý nhân, đây là đãi ngộ của Hiếu Khang Chương Hoàng hậu cùng đại đa số hậu cung triều Thuận Trị;
  6. Tiểu Phúc tấn (小福晉), bên trong lại có thêm 2 cấp, đãi ngộ tương đương Thường tại;
  7. Cách cách (格格), đãi ngộ thấp hơn Thường tại;

Các định cấp này là quy định về đãi ngộ, cho nên "Hoàng hậu cấp" chính là nói về đãi ngộ, Tam cung Hậu vị có đãi ngộ mặc định của "Hoàng hậu cấp", tương tự thì Hậu phi đều dựa vào đãi ngộ từng cấp mà phân định. Theo thói quen triều Thuận Trị, phi tần có thân phận đặc thù, bao gồm công chúa Mông Cổ Minh kỳ hoặc cách cách Mãn Châu gia thế lớn, đều sẽ được đãi hàng "Phúc tấn"; hàng "Tiểu Phúc tấn" dành cho những người sinh con và hàng "Cách cách" đều là những người chưa sinh con.

Trước mắt, đại lượng hồ sơ Mãn văn khi gọi các Hậu phi thời Thuận Trị chỉ xưng 「"Phúc tấn"」 cùng 「"Cách cách"」, còn 「"Tiểu Phúc tấn"」 rất hay bị gọi thành "Cách cách" dù hạng đãi ngộ có khác hơn hẳn. Nhưng mà có một lượng bộ phận hồ sơ cùng ký lục đời sau còn có chênh lệch, như một số Phúc tấn hay bị gọi thành Cách cách và ngược lại, nên hiện tại thông tin thân phận các Hậu phi triều Thuận Trị tương đối hỗn loạn.

Ngoài ra, vào năm Thuận Trị thứ 15 (1658), quan viên tấu thỉnh thiết lập:

  • Càn Thanh cung: thiết lập Phu nhân (夫人); Thục nghi (淑儀) mỗi chức 1 người; Uyển thị (婉侍) 6 người; Nhu uyển (柔婉) cùng Phương uyển (方婉) tổng 60 người;
  • Từ Ninh cung: thiết lập Trinh dung (貞容) 1 người; Thận dung (慎容) 2 người; còn có Cần thị (勤侍) vô định số;

Bên cạnh đó, hệ thống Hậu cung cũng đề nghị có thêm Nữ quan, y theo 「Lục cục nhất Ti; 六局一司」của nhà Minh[4]. Phần nội dung thiết đại tước vị ở hai cung, lẫn hệ thống Nữ quan, trước mắt chỉ là nghị định biên soạn trên giấy tờ mà chưa bao giờ thấy có trường hợp chấp hành.

Tuy nhiên, căn cứ việc Ngụy Nguyên (魏源) trong Cổ Vi đường thi tập (古微堂詩集), cuốn 4 tựa Đô trung ngâm (都中吟) lại dẫn chứng Càn Long Đế từng ngự chế thơ đề cập sự tồn tại của Nữ quan, có đoạn:「"Quốc sơ nữ nhạc duyên minh quý, Khang Hi nữ nhạc bất doanh thiên, Ung Chính cận tồn thập chi thất, Càn Long vô nhất nữ nhạc yên"」[Chú 1]. Thời Càn Long, Cao Tông còn tự nói rằng:「"Đến nỗi Nữ nhạc, (Trẫm) từ khi đăng vị đã không dùng"」[Chú 2], không chỉ khẳng định triều Càn Long đã không còn chế độ này, mà đồng thời khẳng định đến tận triều Ung Chính vẫn còn hệ thống này, chỉ là phai dần thôi.

Khang Hi hoàn bị

Qua thời Khang Hi, đại để thời gian đầu vẫn giữ danh xưng triều Thuận Trị. Ngoại trừ vị trí độc tôn là Hoàng hậu, các vị Phi tần còn lại vẫn giữ đãi ngộ làm tiêu chuẩn về thân phận, đa phần dựa vào số lượng lụa, gấm được cấp hàng tháng mà nhìn nhận xem ai trên ai dưới. Họ đều được xem là Thứ phi - tuy là hàng Phi tần trong hậu cung nhưng danh phận của họ đều chưa được định rõ ràng.

Vào năm Khang Hi thứ 10 (1671), xuất hiện ghi chép về "Lục cách cách", sự xuất hiện của họ đã góp phần thay đổi lịch sử Hậu cung. Do tiếng Mãn của "Cách cách" là danh từ xưng hô chỉ chung các cô gái đàng hoàng xuất thân Bát Kỳ, cho nên họ cũng được gọi là 「"Lục nữ tử"; 六女子」. Cả 6 vị này, ở Khang Hi năm thứ 10, được Thánh Tổ dùng lễ mà cưới hỏi vào thẳng Nội đình. Cụ thể có:

Trong đó, vị thứ tư - Cách cách nhà Hoa Thiện - về sau chính là Kính tần Hoàn Nhan thị ("cũng phiên thành Vương Giai thị"), mà vị thứ sáu - Cách cách nhà Lý Hiện Tông - lại chính là An tần. Nhìn nhận theo phương hướng "lịch sử Hậu cung" mà đánh giá, sự kiện Thánh Tổ nghênh thú 6 vị Cách cách này vào cung đã khiến Nội đình Thanh sơ kỳ chuyển biến lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến lịch sử Nội đình của triều Thanh về sau. Cụ thể mà nói thì:

  • Thứ nhất, đây là sự kiện đầu tiên kể từ khi nhập quan, Thanh cung đình lại ghi chú tỉ mỉ việc tuyển chọn và nghênh thú Hậu cung chủ vị xuất thân Bát Kỳ, mà các vị này lại không phải có thân phận đặc thù cần phải ghi như Hoàng hậu. Hơn nữa cũng từ 6 vị này, mà cung đình triều Thanh xuất hiện dần các quy chế về cung phân và lễ nghi có tính tổng quát sơ khai.
  • Thứ hai, cả 6 vị Cách cách này vào cung cũng nhận đãi ngộ cực kỳ cao, có thể tương đương "Trắc Phúc tấn" thời Hậu Kim. Đây là nguyên do vì sao, Kính tần cùng An tần dù vào cung rất muộn nếu so với Huệ phi cùng Vinh phi, nhưng khi chính thức làm Lễ sách phong lên tước Tần thì lại xếp trước hai bà trên.
  • Thứ ba, cả 6 vị Cách cách ban đầu tiếp nhận chế độ đãi ngộ cũ là "Phúc tấn - Tiểu Phúc tấn - Cách cách", nhưng cũng từ 6 vị này mà Khang Hi đã khai sinh ra chế độ mới "Phi - Tần - Quý nhân", cũng tức là tiền đề của Bát đẳng Hậu phi. Ý nghĩa cực kỳ trọng đại.

Nhưng cả 6 vị Cách cách này, về sau cũng không có gì nổi bậc dù có xuất phát điểm có thể nói là cao nhất kể từ khi nhà Thanh nhập quan. Trừ hai vị Kính tần cùng An tần, thì cả 4 vị kia đều được trả về nhà. Trong đó có con gái của Át Tất Long, đây là vị Tiểu chủ nhân được đưa vào cung nhưng còn quá nhỏ đến nỗi phải có Nhũ mẫu kèm theo. Trải qua 2 giai đoạn mấy chục năm thích ứng cùng điều chỉnh, từ triều Khang Hi bắt đầu chính thức xác lập chế độ Bát đẳng Hậu phi (八等后妃) mà đời sau hay nhắc đến, hơn nữa lấy các loại tiền lệ làm căn cứ, hình thành chế độ cố định.

Tuy nhiều Hậu phi thời Khang Hi không có danh vị, nhưng đã có chế độ thiện đãi nhất định tương ứng với các danh vị chính thức. Sau khi lập nên chế độ "Bát đẳng Hậu phi", trong Hậu cung đều dùng mức đãi ngộ được quy định để đãi các Thứ phi, có hiện tượng tạm lấy mức đãi ngộ để gọi thân phận của họ. Ví dụ có Thứ phi Vương thị (庶妃王氏), tuy rằng đãi ngộ hàng Tần nhưng lại không có Lễ sách phong ban phong hiệu, cho nên trong tấu chỉ gọi 「Vương tần; 王嬪」. Và cũng vì chỉ có đãi ngộ, một khi có Lễ sách phong chính thức hoặc Lễ truy phong sau khi qua đời, thì vị hiệu ấy cùng đãi ngộ có chênh lệch lớn, ví dụ như trường hợp của Bình phi Hách Xá Lý thị, bà tuy có đãi ngộ Quý phi nên xưng gọi 「Quý phi; 貴妃」, nhưng khi qua đời bà chỉ được truy phong làm Phi[Chú 3]. Một ít Thứ phi khác cũng có đãi ngộ của Tần vị và Phi vị dù không có hoạch phong, ví dụ Tuyên phi cùng Khác Huệ Hoàng quý phi đồng dạng là hưởng đãi ngộ hàng Phi trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, lại có một hiện tượng khó hiểu là một mức đãi ngộ lại được chia ra cách gọi khác nhau. Như trong hồ sơ triều Khang Hi thấy có một trường hợp gọi đãi ngộ hàng Tần chia ra 「"Tần cấp Quý nhân"; 嬪級貴人」, 「"Tần cấp"; 嬪級」 cùng 「"Vô hiệu Tần"; 無號嬪」. Cả ba hạng này đều dùng đãi ngộ tước Tần, quần áo lẫn chu cấp, trong đó "Tần cấp Quý nhân" thấy ở trường hợp Tuyên phi, "Tần cấp" cùng "Vô hiệu Tần" phân biệt ở người vừa vào cung đã đãi ngộ hàng Tần và người từ hạng dưới lại được tăng lên đãi ngộ hàng Tần. Ngoài ra, thời kỳ này thường xuyên có trường hợp đãi ngộ và danh xưng không đồng nhất, khi còn dùng chế độ cũ thì đã có trường hợp có một Thứ phi vào cung với danh xưng “Tiểu Phúc tấn” thế nhưng lại được Hoàng đế định quy cách cung cấp ẩm thực theo bậc “Phúc tấn”, không lâu sau vị Thứ phi ấy được thăng cách ăn mặc cũng y như "Phúc tấn", nhưng lại bảo tồn danh xưng "Tiểu Phúc tấn" như cũ. Có lẽ "Tần cấp Quý nhân" trong trường hợp của Tuyên phi cũng là dạng này.

Năm Khang Hi thứ 57 (1718), Thánh Tổ dụ bộ Lễ, chọn lựa làm Lễ sách phong cho 6 vị hậu cung tuy đã sinh dục Hoàng tự nhưng chưa được tấn phong chính thức. Từ đấy về sau, Hậu cung triều Thanh mới nhất nhất quy định Hậu phi đều nên có danh phận[5].